1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Người dân Đồng Nai mỏi mòn chờ tái định cư gần 4 năm

Phước Tuần

(Dân trí) - Mặc dù cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe hơn 1 năm, người dân huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) vẫn chưa được cấp đất tái định cư. Có hộ dân phải đi ở trọ hơn 44 tháng qua.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe vào ngày 29/4/2023. Sau hơn 1 năm cao tốc được vận hành, hơn 200 hộ dân vẫn mòn mỏi chờ cấp đất tái định cư (TĐC). 

Từ lúc bàn giao toàn bộ đất đai, nhà cửa, ruộng vườn để làm dự án, gần 4 năm nay các hộ dân thuộc diện được cấp đất tái định cư vẫn đi ở trọ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. 

Mòn mỏi chờ tái định cư gần 4 năm

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe, rút ngắn khoảng cách từ TPHCM, Đồng Nai đi Bình Thuận và ngược lại. Chiều dài toàn tuyến là 99km, trong đó đoạn qua Đồng Nai là 51,5km, đoạn qua Bình Thuận có 47,5km.

Người dân Đồng Nai mỏi mòn chờ tái định cư gần 4 năm - 1

Khu tái định cư Gia Ray dành cho các hộ bị ảnh hưởng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chưa hoàn thành do còn hai căn chưa di dời (Ảnh: Hoàng Bình).

Tháng 9/2020, gia đình ông Nguyễn Hữu Khoa (55 tuổi, ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) giao 560m2 đất cho huyện để bàn giao cho chủ đầu tư triển khai cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Thời điểm bàn giao đất, do khu TĐC thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc) chưa hoàn thành xây dựng nên 3 thành viên trong gia đình ông Khoa phải sang ở nhờ nhà người con gái lớn. Đến nay, ông Khoa không ngờ việc đi ở nhờ của gia đình lại kéo dài gần 4 năm, nhưng huyện vẫn chưa cấp đất TĐC cho gia đình xây nhà, ổn định cuộc sống.

"Công tác bố trí TĐC dự án này kéo dài quá lâu, gần 4 năm phải đi ở nhờ, cuộc sống của gia đình bị đảo lộn rất nhiều, dù người dân nhiều lần phản ánh, gửi đơn lên các cấp chính quyền. Tôi cũng lớn tuổi, gia đình muốn sớm được cấp đất để cất nhà, ổn định cuộc sống", ông Khoa chia sẻ.

Người dân Đồng Nai mỏi mòn chờ tái định cư gần 4 năm - 2

Dự kiến cuối tháng 5 huyện Xuân Lộc tổ chức bốc thăm, cấp đất cho người dân nhưng nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thành (Ảnh: Hoàng Bình).

Cùng hoàn cảnh với ông Khoa, gia đình ông Nguyễn Hữu Lễ (39 tuổi, hàng xóm anh Khoa) chung cảnh ngộ. Để xây dựng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, huyện Xuân Lộc giải tỏa hơn 3.500m2 đất của gia đình ông.

Cuối năm 2020, gia đình anh Lễ gồm 5 người dắt díu nhau đi ở trọ, nhường đất cho dự án. Từ đó đến nay, ông Lễ mòn mỏi chờ chính quyền cấp đất TĐC để xây nhà. 

"Gia đình tôi bị giải tỏa trắng 3.500m2. Cuộc sống và công việc bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhận đền bù theo mức giá của Nhà nước, tôi mong sớm được cấp đất để xây nhà, ổn định cuộc sống cho con cái học hành. Gia đình có 5 người mà chúng tôi ở trọ gần 4 năm qua rất vất vả. Ở trọ thì sao bằng ở nhà mình được, nên rất mong huyện sớm cấp đất", anh Lễ chia sẻ. 

Cuối tháng 5 sẽ bốc thăm cấp đất 

Khu TĐC ở thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc) có diện tích gần 9,5ha gồm đất ở, đường giao thông, vỉa hè, khu xử lý nước thải và các hạ tầng kỹ thuật khác có mức đầu tư hơn 270 tỷ đồng. Khi hoàn thành, nơi này có 250 lô nhà liền kề, diện tích mỗi lô hơn 200m2; trong đó, hơn 160 hộ có đất bị thu hồi làm cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, 40 hộ sống tại chỗ nhường đất làm khu TĐC.

Người dân Đồng Nai mỏi mòn chờ tái định cư gần 4 năm - 3

Khu tái định cư thị trấn Gia Ray cơ bản hoàn thiện hạ tầng (Ảnh: Hoàng Bình).

Đến đầu tháng 5, công trường thi công khu TĐC vẫn còn nhiều hạng mục đường giao thông, vỉa hè vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều máy móc vẫn còn làm việc. Đặc biệt, trong khu TĐC còn nhiều nhà dân vẫn chưa giải tỏa.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), cho biết đến nay các hạng mục hạ tầng tại khu tái định cư đã cơ bản hoàn thiện. Các khu vực giải tỏa xong, đơn vị đã cắm mốc ranh giới các lô đất, hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy, nhà máy xử lý nước thải cơ bản hoàn thiện. 

"Hiện còn vài hộ dân thuộc diện tái định cư tại chỗ vẫn chưa đồng thuận việc giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng. Huyện đang tiếp tục thực hiện các bước giải quyết đúng quy định pháp luật. Dự kiến cuối tháng 5, huyện tổ chức bốc thăm, cấp nền cho hơn 200 hộ dân vào các phân khu đã hoàn thiện hạ tầng xây nhà, ổn định cuộc sống", ông Sơn thông tin. 

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, được đưa vào khai thác ngày 29/4/2023. Tuyến cao tốc có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Vận tốc thiết kế của cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tối đa 120km/h và tối thiểu 60km/h.